-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Bột cốt dừa có liên hệ như nào với nước cốt dừa?
Sunday,
25/04/2021
Đăng bởi Admin gabi2018
Nước cốt dừa vốn không xa lạ với người dùng Việt, đặc biệt là chị em nội trợ. Thế nhưng bột cốt dừa có lẽ còn khá mới mẻ với nhiều người. Thế bột cốt dừa là gì? Nó có mối liên hệ thế nào với nước cốt dừa và công dụng ra sao?
1. Bột cốt dừa là gì?
Bột cốt dừa (gọi tắt là bột dừa) được chế biến bằng phương pháp cô đặc nước cốt dừa. Từ dạng lỏng, nước cốt dừa nguyên chất trải qua quá trình xử lý, cô đặc thành bột. Bột nước cốt dừa hầu như vẫn giữ nguyên hương vị, và các chất dinh dưỡng từ như truyền thống.
Tuy bột cốt dừa là sản phẩm công nghiệp nhưng nó vẫn giữ được nguyên mùi nguyên vị của dừa tự nhiên an toàn đối với người dùng và có ưu điểm là có thể bảo quản trong điều kiện thường lâu hơn nước cốt dừa.
Bột cốt dừa sử dụng khá đơn giản, chỉ cần pha tỉ lệ hợp lý theo nhu cầu sử dụng. Có thể dùng bột cốt dừa làm mặt nạ chăm sóc da hoặc pha loãng để dưỡng tóc và da toàn thân.
Cách làm nước cốt dừa từ bột cốt dừa:
- Dùng đậm đặc: Hoà tan 50gr bột cốt dừa với 150ml nước ấm, khuấy đều cho tan hết. Thêm các thành phần khác để tạo đặc trưng (nếu cần).
- Dùng loãng: Hoà tan 50gr bột cốt dừa với 300ml nước ấm, khuấy đều cho tan hết. Thêm các thành phần khác để tạo đặc trưng (nếu cần).
Ngoài ra chúng ta còn có thể sử dụng sản phẩm để trộn với nguyên liệu để tăng độ béo thơm cho các loại bánh hay các loại thức ăn nữa đó!
Làm nước cốt dừa tại nhà:
Chuẩn bị:
- Dừa: 2 quả
- Nước nóng: 500ml
- Túi vải
Làm nước cốt dừa tại nhà vô cùng đơn giản
Hướng dẫn cách làm:
- Trên quả dừa sẽ có 2 lỗ nhỏ dùng vật nhọn để đục vào 2 lỗ này, úp ngược quả dừa vào cốc để hứng lấy nước dừa.
- Bổ đôi quả dừa, hơ trên lửa để tách phần thịt dừa ra. Dùng mũi dao nhọn để tách thịt dừa.
- Đun sôi 500ml và phần nước dừa tươi vừa được lấy ra. Cho dừa đã nạo nhỏ + nước dừa vào máy xay cùng với phần nước dừa vừa đun cùng 2 cốc nước ấm, xay khi nào dừa nhuyễn.
- Dùng dụng cụ lọc hoặc có thể dùng rây để lọc sữa dừa, chắt lấy phần nước cốt dừa cho vào cốc sạch. Có thể dùng 1 miếng vải mỏng để lọc nước cốt dừa.
- Để ăn ngon hơn cho phần nước cốt dừa vào nồi, đun nóng, cho vào một chút xíu muối và 1 muỗng canh bột năng.
Bảo quản nước cốt dừa bằng cách để nước cốt nguội rồi cho vào hũ hoặc lọ thủy tinh có nắp đậy kín, sau đó cho vào tủ lạnh 2-3 tuần.
2. Công dụng của bột cốt dừa
Ở bên trên chúng ta đã biết được quá trình cô đặc nước cốt dừa cho ra bột cốt dừa. Vậy nên công dụng của chúng hoàn toàn như nhau. Chúng được sử dụng như một loại thực phẩm hoặc dùng để tạo vị trong nấu ăn, pha chế, làm đẹp:
Lợi ích cho sức khỏe: Bột dừa có nhiều chất xơ, protein và chất béo lành mạnh, chứa đường, carbohydrate và calorie dễ tiêu hóa mà lúa mì và các loại ngũ cốc khác không có được.
- Trợ giúp trong chuyển hóa: Bột dừa chứa hàm lượng chất béo bão hòa cao. Những chất béo lành mạnh tạo năng lượng và hỗ trợ quá trình trao đổi chất, cân bằng đường huyết.
- Cung cấp nhiều chất xơ: Chất xơ trong bột dừa giữ vai trò như thức ăn nuôi lợi khuẩn trong ruột. Giúp phòng ngừa và giảm các triệu chứng có liên quan đến bệnh Crohn, hội chứng rối loạn đường ruột.
- Giúp duy trì mức đường huyết khỏe mạnh: Bột dừa là thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp và không làm tăng mức đường trong máu. Bột dừa là thực phẩm lành mạnh cho người mắc đái tháo đường hoặc mong muốn giảm cân lành mạnh.
- Giảm cholesterol: Bột dừa cũng có thể hỗ trợ sức khỏe tim mạch. Bột dừa có tác dụng tích cực này bởi vì nó cung cấp nhiều chất xơ hoà tan và không hòa tan với hàm lượng chất béo lành mạnh.
Hỗ trợ trong làm đẹp
Nước cốt dừa được pha làm mặt nạ dưỡng da
- Ngăn ngừa lão hóa da: nước cốt dừa có hàm lượng đồng và vitamin C giúp duy trì sự đàn hồi của da và ngăn không cho nếp nhăn phát triển.
- Cung cấp các dưỡng chất cần thiết nuôi dưỡng làn da: Bạn chỉ cần thoa nước cốt dừa lên da và khoảng nửa tiếng sau là bạn có thể cảm nhận được làn da tươi mát hơn
- Là chất tẩy trang có hiệu quả: Nước cốt dừa sẽ lấy đi các hóa chất bám chặt trong lỗ chân lông của bạn và bổ sung dinh dưỡng giúp da thông thoáng.
- Có tác dụng chống nắng và chữa cháy nắng: Nước cốt dừa giúp làm giảm vết cháy nắng và tăng tốc quá trình hồi phục vết thương
- Xử lý tốt các bệnh về da: nước cốt dừa có tác dụng hạn chế sự phát triển các bệnh về da như vẩy nến hoặc chàm
- Ngoài ra nước cốt dừa còn rất có tác dụng với sự phát triển của tóc và ngăn ngừa gầu nếu ta sử dụng dể dưỡng tóc.
Tác dụng trong nấu ăn:
Món tôm rim nước cốt dừa thơm nức
- Nấu các món ngon đậm vị miền nam, miền tây. Các món ăn như thịt kho nước dừa, tôm rim nước cốt dừa, cháo nấm nước dừa,…thêm thơm ngon mà không hề làm mất đi vị chính của món ăn
- Bột cốt dừa cũng là nguyên liệu chính để tạo ra những chiếc bánh thơm ngon vị dừa.
Hỗ trợ pha chế:
Cà phê cốt dừa là đồ uống nổi tiếng được mọi người ưa thích
- Bột cốt dừa kết hợp với một số loại thức uống phổ biến để cho ra cà phê dừa, sữa dừa, trà sữa,…giải khát, thanh lọc cơ thể một cách hữu hiệu.
- Vị của bột cốt dừa ngọt thanh tự nhiên. Mùi dừa chỉ hỗ trợ giúp món uống được pha chế thêm thơm ngon.
Lưu ý: Nước cốt dừa chứa quá nhiều chất béo bão hòa nên không phù hợp để ăn thường xuyên, chỉ nên ăn từ một tới hai lần một tuần.
3. Một số món ngon được chế bến cùng bột cốt dừa/nước cốt dừa
CHÈ DỪA DẦM HẢI PHÒNG
Chè dừa dầm với hương vị ngọt thanh có tác dụng giải nhiệt rất tốt
Trong cách nấu chè dừa dầm dưới đây, bạn cần chuẩn bị một số các nguyên liệu sau:
- 1 trái dừa non
- 3g thạch rau câu giòn (có thể thay bằng trân châu)
- 2g bột rau câu dẻo
- 550ml nước dừa tươi
- 150g đường
- 400ml nước cốt dừa
- 2 thìa sữa đặc
- 1/5 muỗng cà phê muối
- 1 tô đá lạnh đã đập nhỏ
- 10g bột bắp
Nguyên liệu nấu chè dừa dầm (Nguồn: Internet)
Cách nấu chè dừa dầm:
Bước 1: Làm thạch trong cách nấu chè dừa dầm
- Hòa nước dừa tươi cùng với 70g đường và 2 loại bột rau câu vào nồi, khuấy đều cho các nguyên liệu này tan hết ra.
- Đặt nồi hỗn hợp lên bếp và nấu với lửa nhỏ. Trong thời gian nấu chú ý vừa nấu vừa khuấy đều đến khi nồi thạch sôi, hớt bớt bọt để thạch trong trước khi tắt bếp.
- Sau đó đổ thạch ra khay, để nguội rồi cho thạch vào trong ngăn mát tủ lạnh. Đợi đông thì bỏ ra thái sợi hoặc thái hạt lựu (để khoảng 3 tiếng là thạch đông).
Bước 2: Cách nấu chè dừa dầm ngon
- Dừa non thái sợi, bột bắp hòa với 70ml nước lạnh để riêng.
- Cho hết nước cốt dừa cùng 80g đường và muối vào trong nồi, đặt lên bếp nấu lửa nhỏ. Khi nồi nước cốt dừa sôi lăn tăn, cho chén nước bột bắp vào khuấy đều để tạo độ hơi sánh, rồi tắt bếp.
- Sau đó cho sữa đặc vào khuấy đều và để nguội. Cho sữa đặc để nước cốt dừa thêm vị béo và nó sẽ có vị ngon hơn khi thưởng thức.
BÁNH FLAN NƯỚC CỐT DỪA
Miếng bánh flan mềm mịn, mát lạnh với hương vị béo ngậy của nước cốt dừa, kèm theo vị thơm ngọt của sữa và đường
Nguyên liệu:
- 1 ½ bát con đường
- 300 ml thickened cream (hay heavy cream)
- 400 ml nước cốt dừa
- 1 thìa tinh chất vanilla
- 6 quả trứng
Cách làm:
Bước 1:
- Đổ 1 bát con đường và 1/4 bát con nước vào chảo, đặt lên bếp để lửa nhỏ. Đun hỗn hợp đường và nước khoảng 5 phút, vừa đun vừa khuấy cho đường tan.
- Khi đường tan hết thì tăng lửa lên mức vừa, dừng khuấy và để đường chuyển sang màu vàng cánh gián - caramel.
Lưu ý, thi thoảng đổ một chút nước vào viền chảo để tránh đường bị cháy. Sau đó, đổ caramel vào khay sẽ làm bánh flan, để nguội.
Bước 2:
- Bật lò nướng trước ở 160 độ C.
- Cho heavy cream, sữa dừa, vanilla vào một chiếc chảo và đun trên lửa vừa.
- Vừa đun vừa khuấy khoảng 5 phút tới khi hỗn hợp nóng và bắt đầu nổi bong bóng thì tắt bếp.
Bước 3:
- Sử dùng nốt 1/2 bát con đường còn lại để đánh cùng với trứng trong một bát tô.
- Cho từ từ hỗn hợp kem và sữa dừa vào bát trứng và trộn đều.
- Lọc hỗn hợp qua rây để bánh flan sau khi làm xong sẽ mịn, ngon hơn. Sau đó, đổ hỗn hợp trứng sữa vào khay đã đổ sẵn caramel.
Bước 4:
- Đặt khay bánh vào một khay nướng khác lớn hơn. Đổ nước nóng vào khay bên ngoài, sao cho lượng nước chỉ đến 1/2 khay bánh flan.
- Nướng khoảng 35-40 phút, tới khi bánh flan chín.
Nếu không có lò nướng, bạn có thể thay thế bằng đun cách thủy. Sau khi bánh chín lấy ra khỏi lò, để nguội, đậy lại vừa đưa vào tủ lạnh để qua đêm.
- Trước khi đổ bánh ra đĩa, lấy một con dao nhỏ khoét quanh khay bánh một đường để dễ dàng đổ bánh và thưởng thức.
CHÈ CHUỐI NƯỚC CỐT DỪA
Chè chuối nước cốt dừa thơm ngon hấp dẫn
Nguyên liệu:
- Chuối tây chín: 6 trái
- Nước cốt dừa đóng hộp: 400ml
- Bột báng: 50g
- Đường cát trắng: 100g
- Dừa tươi bào sợi: 50g
- Đậu phộng: 50g
Cách làm:
Bước 1: Sơ chế
- Chuối chín đem lột vỏ, tước bỏ các sợi gân, dùng dao cắt chuối thành các khoanh tròn, dày khoảng 0,5 – 0,7cm đều nhau cho vào tô, thêm chút muối và đường, trộn đều rồi ướp khoảng 15 – 20 phút (dùng đũa, đảo nhè nhẹ để chuối không bị nát)
- Cho đậu phộng vào chảo rang chín, đổ ra cho nguội rồi chà xát hết lớp vỏ lụa. Đậu phộng cho vào cối giã dập, không nên giã nát
- Bột báng đem vo nhiều lần với nước cho sạch, ngâm đậu vào thau nước lạnh khoảng 15 phút cho đến khi bở ra thì đổ ra rổ, để ráo nước.
Bước 2: Tiến hành nấu
- Đổ lon nước cốt dừa vào nồi cùng với chén nước lạnh (tương ứng với lượng chè muốn nấu) rồi bật bếp nấu.
- Khi nồi nước sôi, cho chuối vào từ từ, đảo nhẹ rồi hạ lửa nhỏ nấu đến khi chuối chín mềm. Thời gian nấu khoảng 10 – 15 phút là chuối đã chín.
- Tiếp đó cho bột báng vào nấu cùng, dùng muôi đảo nhẹ tay, nấu đến khi bột báng chuyển sang màu trắng trong hoàn toàn là đã chín. Nêm nếm lượng đường vừa ăn rồi tắt bếp.
Lưu ý: Nếu muốn chè hơi có độ sánh thì có thể thêm chút bột năng. Cách làm rất đơn giản, sau khi nêm nếm vừa ăn, hòa tan 2 muỗng cà phê bột năng với chút nước, đổ vào nồi chè, dùng muôi đảo nhẹ nhàng cho đến khi bột năng phát huy tác dụng, chè có độ sánh như ý thì tắt bếp, múc ra ngoài.
- Đợi chè nguội bớt thì múc ra chén, rắc dừa nạo và lạc rang lên trên rồi thưởng thức. Chè chuối có thể ăn nóng hoặc ăn lạnh.
Ngoài ra bột cốt dừa/nước cốt dừa còn xuất hiện trong nhiều công thức chè, món kho, pha chế nổi tiếng như: Bò kho, cá kho cốt dừa; đồ xôi cốt dừa, cà phê cốt dừa, chè bưởi,...